anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
GIỚI THIỆU VỀ XÃ TRỰC TUẤN

           Đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội:

           * Mảnh đất, con người và truyền thống:
           
Xã Trực Tuấn được thành lập từ tháng 9 năm 1947 có tên là xã Quốc Tuấn trên cơ sở sáp nhập 4 làng: Nam Lạng, Văn Lãng, An Quần, Quần Lương. Đến tháng 10 năm 1954 xã Quốc Tuấn đổi tên là xã Trực Tuấn có 4 thôn-làng được chia làm 15 xóm hành chính. Trực Tuấn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ngay từ những ngày tiền khởi nghĩa nhà giáo yêu nước Phạm Gia được Trung ương cử về đây truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện cũng như của xã; cũng tại mảnh đất này chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng của huyện được thành lập vào ngày 29/6/1929 và lãnh đạo phong trào cách mạng của toàn huyện, lá cờ Búa-Liềm của Đảng lần đầu tiên được tung bay trên ngọn cây Gạo cầu Cao đầu đường giẽ về thôn Nam Lạng xã Trực Tuấn, mà đỉnh cao là lệnh tiến quân giành chính quyền huyện Trực Ninh được ban bố vào 15 giờ ngày 17/8/1945, gần 200 tự vệ, thanh niên cứu quốc, quần chúng cách mạng trong đội ngũ chỉnh tề cùng 5 đội viên đội võ trang tuyên truyền của tỉnh do đồng chí Minh Vân dẫn đầu giương cao 5 lá cờ đỏ sao vàng cùng các khẩu hiệu lớn tiến về huyện lỵ Trực Ninh (thôn Cát Chử, xã Trực Cát). Trong đoàn quân ấy có 37 con em Trực Tuấn, tới huyện lỵ đoàn quân được chia làm 2 mũi tiến quân theo kế hoạch định sẵn, tới cổng huyện, quân ta nổ một loạt tiểu liên phát lệnh trong tiếng hô dồn dập và kiên quyết lệnh cho quân giặc đầu hàng. Bất lực và hoang mang, bọn nguỵ quyền không dám chống cự, xin hàng, mở cổng đón đoàn quân cách mạng và dâng nộp toàn bộ vũ khí, sổ sách cùng ấn tín. Bộ máy của thực dân, phong kiến ở Trực Ninh đã bị xoá bỏ, cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi vào hồi 18giờ30 phút ngày 17/8/1945.

          * Vị trí địa lý:
 Trực Tuấn là xã nằm ở phía Đông Nam huyện Trực Ninh, cách trung tâm huyện 6 km, có tỉnh lộ 488B chạy qua với chiều dài 1,2 km, đường trục xã dài 7,5 km, hệ thống đường giao thông liên thôn và dong xóm với tổng chiều dài 32,9 km; xã có vị trí tiếp giáp như sau:

          - Phía Bắc giáp huyện Nam Trực và xã Trung Đông;

          - Phía Nam giáp thị trấn Cát Thành;

          - Phía Đông giáp xã Liêm Hải, Việt Hùng;

          - Phía Tây giáp xã Trực Đạo.

          * Điều kiện tự nhiên: 
        Tổng diện tích đất tự nhiên 574,91 ha (5,7 km²), diện tích đất canh tác 440,06 ha (chiếm 76,54%), diện tích đất phi nông nghiệp là 134,85 ha (chiếm 23,46%), tổng số hộ trong xã là 2.079 hộ với 7.595 khẩu.

          * Về kinh tế: 
        Xã Trực Tuấn là một đơn vị mang đặc thù thuần nông, diện tích đất canh tác bình quân 767m²/khẩu, chủ yếu là trồng lúa, rau màu, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 87 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 35.500.000đ/người/năm (tính đến 2016). Ngành nghề: dệt chiếu, hàng thủ công, sản xuất đồ mộc gia dụng, cơ khí, may công nghiệp tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động có việc làm.

          * Về văn hoá – xã hội: 
       Xã Trực Tuấn có 14/15 thôn; xóm, 3/3 trường học và trạm y tế đạt tiêu chuẩn đơn vị có nếp sống văn hoá, hàng năm có 85% trở lên số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, nhân dân và lực lượng vũ trang xã được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân thôn Nam Lạng được tặng Kỷ niệm chương có công với nước, cụm di tích Đền và Chùa thôn Nam Lạng  được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá. Số hộ nghèo giảm xuống dưới 2%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5%. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt chất lượng, trường Tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia và xanh-sạch-đẹp; an toàn, chất lượng giáo dục luân đứng tốp đầu của huyện. An ninh trật tự luân được đảm bảo, quốc phòng được được giữ vững hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu giao quân.

          * Hệ thống chính trị: 
         Đảng bộ xã Trực Tuấn có 329 đảng viên và sinh hoạt ở 19 chi bộ, Đảng bộ trong nhiều năm liền được xếp loại trong sạch vững mạnh của huyện.

      Chính quyền xã Trực Tuấn: Cán bộ, công chức đều chuẩn hóa theo quy định, hoạt động điều hành từ xã đến cơ sở vững mạnh, đồng bộ đạt hiệu quả.

       Các tổ chức đoàn thể chính trị: Ủy ban MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, đều đạt vững mạnh, tiên tiến của huyện.

        Các tổ chức xã hội: Hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh, Hội cựu Thanh niên xung phong, Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ đều hoạt động tích cực, ngày càng phát triển hiệu quả.

           Xã Trực Tuấn đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.